
Việc bạn yêu thích không hẳn đã làm tốt,nhưng việc bạn có thể làm tốt chắc chắn không phải việc bạn ghét
Ở rất nhiều nơi tôi thường xuyên bị hỏi thế này, làm sao để cậu tìm được công việc mình yêu thích?
Mấy năm đầu khi tôi mới bước chân ra khỏi nhà trường, dưới bầu trời ảm đạm của các doanh nghiệp trong nước, khi nhìn thấy những tháng năm trong tương lai hoảng loạn bất an, thực ra tôi đã nếm trải qua rất nhiều ngành nghề. Từng làm bộ phận kế hoạch nội dung ở công ty quảng cáo, làm thêm ở công ty IT, từng thi MBA, còn từng giúp đỡ ở nhà hàng của bạn bè, từng nếm trải việc lập nghiệp, từng chạy dự án cùng với vài người bạn chung đường ăn cơm hộp, làm thêm chuyên đưa cơm hộp cho các công ty máy tính – năm ấy việc này coi như phương án làm ăn rất mới mẻ. Bao gồm cả việc viết lách, những chuyện này đều do tôi có hứng thú làm.
Vì vậy những năm ấy tôi giống như sống trong đoàn xiếc vậy. Người khác sau khi tan ca thì đi hát Karaoke, tôi làm thêm đủ việc, hàng tuần còn phải dành thời gian học tập để thi cao học. Bố tôi than phiền, sao tôi không ổn định được, nội tâm bồng bột, cho rằng tôi cứ như vậy thì không có việc gì thành công cả.
Tôi không biết phải phản bác thế nào, đương nhiên tôi cũng hi vọng mình được như sự kì vọng của bố, yên ổn làm trong công ty kia, vui vẻ làm công việc hành chính cả đời. Mặc dù tôi không biết mình thích gì nhưng tôi lại biết vô cùng rõ ràng rằng, cuộc sống như thế, công việc như vậy không phải thứ tôi thích.
Về việc làm thế nào để tìm được công việc mình yêu thích, đầu tiên bạn phải làm, phải thử nhiều.
Những người thường xuyên hỏi tôi làm thế nào để tìm được công việc mình yêu thích, hoặc thể hiện rõ không biết mình thích cái gì, trên người thường có mấy đặc điểm sau:
- Nghĩ nhiều, làm ít, muốn tìm được đáp án rồi mới làm, chứ không chịu thử làm để tìm đáp án.
- Tìm được công việc mình yêu thích rồi mới cố gắng.
Những người có suy nghĩ này nếu thực sự gặp được một việc mình yêu thích cũng giống như “gặp được người có thể kết hôn rồi mới yêu”, lần đầu tiên yêu đã gặp được chân mệnh thiên tử, từ đó phu thê đồng lòng, đầu bạc răng long. Thứ cạnh tranh ở đây không phải là năng lực hay kinh nghiệm, mà là vận may.
Nhưng đại đa số mọi người không gặp được công việc mình yêu thích ngay từ đầu, mà là trải qua quá trình không ngừng thử sai việc, cuối cùng đã tìm được công việc mình yêu thích và có thể đảm nhiệm được.
“Hứng thú là thầy dạy tốt nhất” – câu này thường khiến chúng ta hiểu nhầm, tưởng rằng chỉ cần yêu thích là có thể làm tốt. Thực ra không phải vậy. Tìm kiếm công việc mình yêu thích là quá trình “đãi cát tìm vàng”, trong đó còn có nhiều nguyên nhân khách quan, sẽ khiến những thứ bạn rất thích trở thành không thích nữa; mà những thứ bạn hơi thích lại trở thành rất thích. Trong những lựa chọn có sự khác biệt về độ yêu thích này, thứ cuối cùng ở lại thực ra chính là điều phù hợp nhất với điều kiện bẩm sinh hoặc năng khiếu của bạn.
Giống như bạn đi nước ngoài, mua về rất nhiều món đồ, món nào cũng thích, nhưng khi bạn mặc nó ra ngoài, có cái sẽ nhận được nhiều đánh giá tích cực, có cái nhận được ít hơn, thậm chí có cái còn bị chê. Còn bản thân bạn cũng cảm thấy có cái phối đồ đơn giản, mặc lên dễ chịu; nhưng cũng có cái phối đồ khó khăn, mặc lên người cứ có cảm giác không ổn. Cuối cùng bộ mặc nhiều nhất không hẳn là bộ bạn thích nhất, đó nhất định là bộ bạn có thể dễ dàng kiểm soát được.
Yêu thích chỉ là trạng thái ban đầu, có thể đạt tới cảnh giới “yêu việc mình làm, làm việc mình yêu” cần có sự gánh vác của cảm giác thành tựu.
Nếu cảm giác thành tựu có được khi bạn làm việc này không thể nào địch lại được cảm giác thất bại, thứ yêu nhất có thể không còn yêu thế nữa, thứ thích nhất cũng có thể biến thành những thứ không thích lắm nữa.
Vì thế khi bạn than phiền không biết bản thân mình thích công việc gì, có hai khả năng: Một là bạn thực sự không biết mình thích gì, cần phải cố gắng thử làm nhiều việc ở các lĩnh vực khác nhau, tìm ra đáp án chính xác giữa những lần thử sai. Một kiểu khác chính là bạn hãy quên “tình đầu” của bạn đi, cho dù là công việc thích nhất ban đầu nhưng do bạn không cố gắng, không có chí tiến thủ, không nhìn thấy hi vọng, không nhận được sự khẳng định, mà dần trở thành những việc không thích, vì thế bạn càng tin “làm một nghề, ghét một nghề”.
Bởi vì bế tắc, vì áp lực, vì những bất thuận tạm thời mà nghi ngờ công việc yêu thích mình đang làm, người như vậy có lẽ chỉ làm vì thú vui, sở thích chứ không thích hợp biến sở thích, thú vui thành sự nghiệp. Bởi chuyện yêu thích một khi biến thành công việc, chỉ có ý chí mới có thể làm chủ và duy trì tất cả năng khiếu của bạn.
Năng khiếu có giỏi đến đâu mà không có ý chí thì những việc từng thích cũng sẽ sụp đổ. Cứ làm, cứ làm rồi không thích nữa, thật là một việc vô cùng bi kịch.
Bài viết trích từ cuốn sách “Kiên trì ắt được đền đáp”
Cuốn sách này có lẽ sẽ hợp với nhiều người trẻ đang muốn tìm kiếm tương lai cho chính mình. Cuối cùng điều gì mới khiến bạn hạnh phúc: một công việc ổn định hay một công việc bạn yêu thích
Dù lựa chọn như thế nào tôi tin khi bạn đủ kiên trì đi đến cuối con đường thì thành tựu nhất định sẽ đến với bạn, giống như cái tên cuốn sách “Kiên trì ắt được đền đáp”
Cuốn sách không phải là những bài học dạy dỗ bạn phải thế này phải thế kia, nó đơn giản chỉ là suy nghĩ của những người đi trước muốn chia sẻ với các bạn
Hãy đọc cuốn sách này với một tâm thế nhẹ nhàng và tìm ra cho mình con đường mà ở đó bạn vừa có thành tựu và vừa có hạnh phúc
.